Khánh Hoà tổ chức Hội nghị triển khai Ocop 2020

Mục lục

Theo Kế hoạch số 3680/KH-UBND về Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2020 được UBND tỉnh Khánh Hòa (ban hành ngày 16/4/2020), để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Hội nghị tập huấn cho hơn 100 đại biểu là Hội đồng đánh giá xếp hạng Ocop cấp tỉnh, huyện và chủ thể tham gia Chương trình từ ngày 22 đến ngày 24/7/2020.

Tại Hội nghị, Ông Trần Kiên, giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Dược Khoa (DK Development) đã tập huấn và trao đổi 5 chuyên đề quan trọng của Chương trình tới các đại biểu về:
– CĐ1: Tổng quan về Ocop, Chu trình Ocop thường niên
– CĐ2: Bộ tiêu chí, công tác đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP
– CĐ3: Hướng dẫn lập hồ sơ đánh giá xếp hạng sản phẩm
– CĐ4: Mô hình kinh doanh và xây dựng kế hoạch kinh doanh
– CĐ5: Hướng dẫn xây dựng câu chuyện sản phẩm

Trên cơ sở định hướng phát triển các sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên phát triển các nhóm ngành hàng chủ lực, có lợi thế của mỗi địa phương. Sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2020 của tỉnh Khánh Hòa là 39 sản phẩm, được phân thành 3 nhóm gồm: thực phẩm; đồ uống; thủ công mỹ nghệ, trang trí từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh.
Khánh Hòa cũng là tỉnh đặt ra mục tiêu năm 2020 rất rõ ràng, chi tiết và bám sát nội dung của Chu trình OCOP như sau:
– Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã; áp dụng đồng bộ các chính sách để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP;
– Tiếp tục hỗ trợ nâng cấp, củng cố, phát triển các sản phẩm đăng ký tham gia năm 2019 không được đánh giá cao (1-2 sao) và các sản phẩm đạt (3-4 sao) dự thi đánh giá nâng hạng sản phẩm năm 2020.
– Tạo ra 39 sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế so sánh của địa phương, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng tại chỗ và xuất khẩu. Trong quá trình thực hiện tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung sản phẩm tham gia Chương trình.
– Triển khai xây dựng 2 – 3 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP.
– Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.
– Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP;
– Đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh cho cán bộ quản lý nhà nước (cấp tỉnh, huyện) thực hiện Chương trình OCOP và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP.

Được biết, sau hơn 1 năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, cơ quan thường trực là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được 20 hồ sơ sản phẩm đạt từ 03 sao trở lên ở cấp huyện. Trong đó, có 7 sản phẩm được đánh giá đạt 4 sao và 13 sản phẩm được đánh giá đạt 03 sao. Dự kiến, sau khi được đánh giá, xếp hạng cấp tỉnh, những sản phẩm đạt hạng 4 sao, 5 sao sẽ tiếp tục hoàn thiện nhãn mác, chất lượng và thương hiệu để gửi về trung ương tham gia đánh giá sản phẩm cấp Quốc gia.
Với vị trí địa lý thuận lợi và tài nguyên thiên nhiên phong phú, Khánh Hoà hứa hẹn sẽ có nhiều sản phẩm đa dạng tham gia và được công nhận là sản phẩm OCOP đạt thứ hạng cao trong thời gian sắp tới.

Facebook
Pinterest
Twitter

Bài viết mới nhất