ĐẮK LẮK Tuyên truyền, triển khai Chương trình OCOP năm 2023

Mục lục

Ngày 14/8, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tuyên truyền, triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023.

Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn; PGS.TS. Trần Văn Ơn – Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển Dược Khoa; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan cùng các chủ thể OCOP trên địa bàn.

Các đại biểu tham dự hội nghị.
                                                                     Các đại biểu tham dự hội nghị

Chương trình OCOP được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2018 nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Trong đó, trọng tâm của Chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.

Sau hơn 05 năm triển khai, Chương trình đã tạo sự lan toả mạnh mẽ, được triển khai thực hiện một cách chủ động, đảm bảo đồng bộ, rộng khắp tại các địa phương. Tính đến ngày 30/4/2023 đã có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; có 5.069 chủ thể OCOP. Trong Quý II năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức đánh giá và công nhận OCOP 5 sao cho thêm 22 sản phẩm của 12 chủ thể của 9 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia Chương trình OCOP.

PGS. TS. Trần Văn Ơn - Chủ tịch Công ty Phát triển Dược Khoa chia sẻ tại hội nghị
                                  PGS. TS. Trần Văn Ơn – Chủ tịch Công ty Phát triển Dược Khoa chia sẻ tại hội nghị

Riêng tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định công nhận cho 136 sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 4 sao của 57 xã, phường trên địa bàn với 93 chủ thể sản phẩm OCOP. Năm 2023, áp dụng Bộ tiêu chí mới, thị xã Buôn Hồ đã công nhận 7 sản phẩm đạt 3 sao cho 5 chủ thể, nâng tổng số sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 143 sản phẩm.

Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của Nhân dân. Qua Chương trình OCOP đã phát hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo bứt phá đi lên, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Tại hội nghị, thầy Trần Văn Ơn cũng đã phổ biến các thông tin về Chương trình OCOP, kinh nghiệm trong nước và quốc tế về phát triển kinh tế khu vực nông thôn; chuyên đề “Bản chất Chương trình OCOP; trách nhiệm của hệ thống chính trị trong triển khai Chương trình OCOP; bài học kinh nghiệm, giải pháp trọng tâm trong giai đoạn 2023-2025”…

Trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk đợt I, II, III năm 2022 cho các chủ thể.
                    Trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk đợt I, II, III năm 2022 cho các chủ thể

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP tăng cường kết nối sản phẩm OCOP của tỉnh với các sàn thương mại điện tử; tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm OCOP; thực hiện tốt việc hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP, đồng thời hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới là các sản phẩm chủ lực, đặc sản truyền thống của các địa phương; khuyến khích các cơ sở sản xuất mở rộng quy mô sản xuất và ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm…

Hội nghị cũng đã tiến hành công bố quyết định và trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk đợt I, II, III năm 2022 cho 45 chủ thể, trong đó có 9 chủ thể sản phẩm OCOP có sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao và 36 chủ thể sản phẩm OCOP có sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao.

Nguồn: Báo Đắk Lắk

Facebook
Pinterest
Twitter

Bài viết mới nhất